Trước đây, mỗi khi bị ốm tôi hay tự hỏi: “Chuyện gì đang xảy ra với tôi vậy?” tôi biết rằng có điều gì đó không ổn, nhưng lại không thể mô tả nó. Tôi đã ước mình có thể tìm được cách cải thiện tình trạng ốm đau, nhưng để giải thích cảm giác của mình lại là một cuộc vật lộn để tìm ra từ ngữ mô tả thích hợp. Bởi lẽ, những trải nghiệm trong cơ thể thường không dễ dàng diễn đạt thành lời. Tôi luôn ước cơ thể mình sẽ giao tiếp bằng ngôn ngữ dễ hiểu, nhưng thay vào đó, nó nói với tôi bằng những cảm nhận, triệu chứng, và những cảm xúc lẫn lộn mà tôi phải khám phá và sắp xếp lại. Giá mà cơ thể không khó hiểu như vậy!
May mắn thay, tôi có duyên gặp được thầy để luyện tập yoga, tìm hiểu Ayurveda (một trường phái yhct Ấn Độ) và đông y, xuyên suốt quá trình học hỏi và thực hành, tôi đã dần bớt bối rối với cơ thể và tìm được cách giao tiếp với cơ thể, trước hết qua việc hiểu cơ chế vận hành của nó. Tôi bắt đầu lắng nghe cơ thể mình. Cảm xúc, cơn đau, và nhức mỏi là cách cơ thể “nói chuyện” với chúng ta và ta phải lắng nghe thông điệp đó.
Nhiều triệu chứng quan trọng rất khó cảm nhận, chúng gần như bị che khuất trong một điểm mù. Đó có thể là cảm giác cồn cào trong bụng, cảm giác nặng nề, uể oải ở ngực, hoặc có thể là cảm giác đau nhức ở các khu vực nào đó. Nó có thể là những cảm xúc thậm chí còn tinh tế hơn thế này. Ví dụ, bạn có thể cảm thấy “choáng ngợp” hoặc “căng thẳng”. Có thể bạn đã có cảm giác đó quá lâu đến nỗi bạn quên mất nó ở đó – nó đã trở thành một phần của bạn và nhận thức của bạn về nó dường như mờ nhạt dần.
Những cảm giác và cảm xúc khó hiểu này – thậm chí bạn chưa nhận thức được rằng bạn cảm thấy chúng – thường là biểu hiện của những vấn đề tiềm ẩn của cơ thể.
Hầu hết mọi người thường quên lãng hoặc lờ đi những biểu hiện này và thay vào đó tập trung vào các triệu chứng dễ thấy hoặc rõ ràng hơn, như tăng cân, rối loạn tự miễn dịch, hoặc suy giáp. Chúng ta không để ý rằng chúng ta đang cảm thấy thế nào bên dưới tất cả hoặc cơ thể ta đang giao tiếp với ta như thế nào trong từng khoảnh khắc. Điều cực kỳ quan trọng là bạn phải biết những gì đang diễn ra trong cơ thể mình trước khi bắt đầu trị liệu. Bạn càng biết nhiều về cơ thể mình, bạn sẽ càng bắt đầu khám phá ra các giải pháp một cách tự nhiên. Vì vậy, điều thực sự quan trọng không phải là liệu pháp bạn đã chọn, mà là lựa chọn khám phá những dấu hiệu và triệu chứng tinh tế này trong cơ thể bạn. Đó là lý do tại sao trong quá trình tôi theo học, các vị thầy của tôi thường chú trọng dạy các nguyên lý vận hành của cơ thể, cách cơ thể giao tiếp với môi trường bên ngoài, hướng cho tôi tập trung vào khám phá bản thân mình và đương đầu với những vấn đề tôi đang gặp phải, chứ không phải những bài giảng kiểu mỳ ăn liền, tập trung vào triệu chứng nhất định.
Vì vậy, thường khi tôi cảm thấy hơi khó chịu và tự hỏi, “Chuyện gì đang xảy ra với tôi vậy?” tôi sẽ tìm một nơi đủ yên tĩnh và cảm thấy an ổn và ngồi xuống, nhắm mắt lại và cảm nhận cảm xúc của bạn. Chú ý từng cảm giác thể chất và cảm xúc và viết ra những cảm nhận và cảm xúc. Thực hành này vô cùng hữu ích để có được cái nhìn sâu sắc về cơ thể và ốm đau bệnh tật.
Nếu “hãy cảm nhận cảm xúc của bạn” có vẻ hơi mơ hồ, hãy bắt đầu bằng cách kiểm tra cơ thể và để ý bất kỳ cảm giác nào bạn có. Quét cơ thể của bạn từ đầu đến chân. Tìm bất kỳ điểm bất ổn nào trong cơ thể bằng cảm giác, bất kể mạnh hay yếu. Nếu đó là một điểm trên cơ thể hoặc một cơ quan, hãy thử sờ nắn (xoa bóp) nhẹ vùng đó và xem cảm giác đó thay đổi như thế nào. Bây giờ hãy cố gắng viết ra cảm giác. Dưới đây là một số ví dụ:
- Cảm giác căng cứng dai dẳng giữa hai bả vai
- Đau nhức bắp chân
- Tiếng ục ục ồn ào trong bụng
- Áp lực xung quanh khu vực tim
- Nặng ngực
- Cồn cào ruột
- Đau âm ỉ trong xoang
Và hãy nhớ những cảm giác này, cũng như việc bạn bị sốt, nó là biểu hiện của một vấn đề gốc, tự nó không phải là bệnh. Trong cái nhìn tinh tế của Ayurveda, mỗi dấu hiệu nhỏ trên cơ thể, từ một cơn đau nhẹ đến sự thay đổi tâm trạng, đều là những thông điệp quý giá mà cơ thể gửi đến ta. Điều này như một lời nhắc nhở về việc cần phải lắng nghe cơ thể mình một cách cẩn thận và kiên nhẫn. Có thể, qua bao tháng ngày bận rộn, chúng ta đã vô tình bỏ qua những tín hiệu này, dẫn đến sự mất cân bằng trong cơ thể và tâm hồn.
Ayurveda dạy rằng, bằng cách quan sát và phân tích lại thói quen ăn uống, sinh hoạt, và làm việc của mình, ta có thể tìm ra nguyên nhân sâu xa của những triệu chứng tiềm ẩn và từ đó điều chỉnh để mang lại sự cân bằng và hòa hợp cho cơ thể. Điều này không chỉ giúp giảm bớt những biểu hiện khó chịu mà còn ngăn ngừa những vấn đề sức khỏe lớn hơn có thể xảy ra nếu chúng ta tiếp tục bỏ bê cơ thể.
Sự điều chỉnh có thể bắt đầu từ việc chọn lựa thực phẩm phù hợp với prakriti (thể tạng) của mình, đến việc áp dụng lối sống lành mạnh hơn như tập Yoga, thiền định, và đảm bảo giấc ngủ đủ giấc. Mỗi bước điều chỉnh, dù nhỏ, đều góp phần vào việc xây dựng một nền tảng vững chắc cho sức khỏe và hạnh phúc lâu dài.
Hãy nhớ rằng, trong hành trình này, sự kiên nhẫn và lòng kiên trì là chìa khóa. Đôi khi, sự thay đổi cần thời gian để thực sự phát huy tác dụng. Điều quan trọng là không ngừng lắng nghe và tôn trọng cơ thể mình, vì nó không chỉ là ngôi nhà cho tâm hồn mà còn là nguồn tri thức vô tận về sức khỏe và cuộc sống. Khi chúng ta học cách hòa mình với những quy luật tự nhiên của cơ thể, mỗi bước đi, dù nhỏ, cũng đều đầy ý nghĩa và giá trị, mở ra một thế giới sức khỏe và hạnh phúc mà trước đây ta không hề biết đến.
Sophia Ngo.