Nguồn gốc, ý nghĩa dưỡng sinh ngày Tết Đoan Ngọ

Nguồn gốc, ý nghĩa dưỡng sinh ngày Tết Đoan Ngọ

Nguồn gốc ngày tết Đoan Ngọ

Truyền thuyết xa xưa kể rằng, vào một mùa vụ nọ, nông dân trúng mùa, cây trái trĩu quả. Tuy nhiên, không biết từ đâu sâu bọ lại kéo đến dày đặc, ăn hết cây trái trong vườn. Đang đau đầu, không biết làm cách nào để giải quyết được hết số sâu bọ này thì bỗng nhiên một ông lão tên Đôi Truân xuất hiện.

Ông đã hướng dẫn người dân lập đàn cúng với lễ vật đơn giản, chỉ gồm bánh tro, trái cây. Cúng xong rồi, người dân cùng nhau ra trước nhà vận động cơ thể. Chỉ vậy thôi mà sâu bọ bỏ đi hết thật, chẳng còn con nào ở lại.

Ông Đôi Truân giải thích, đây chính là mùa sâu bọ mạnh và hung hăng nhất, mỗi năm cứ làm theo lời ông dặn thì sẽ diệt được hết sâu bọ. Lòng mừng rỡ vì đã đuổi được hết sâu bọ, dân tình chưa kịp cảm ơn thì ông đã đi mất. Từ đó, dân gian vẫn hay gọi ngày này là Tết diệt sâu bọ hay Tết Đoan ngọ và cúng vào giữa giờ Ngọ.

Theo quan niệm của người Việt xưa, Tết Đoan Ngọ nên cúng vào giờ chính Ngọ ngày mùng 5 tháng 5 (âm lịch). Đoan nghĩa là mở đầu, Ngọ là khoảng thời gian từ 11 tới 13 giờ. Dịp Tết Đoan Ngọ là lúc tiết trời nóng bức nhất, đồng thời là lúc chuyển mùa, sâu côn trùng được dịp sinh sôi. Vì thế, người dân thực hiện các nghi lễ diệt sâu bọ, dâng hương để cầu tai qua, nạn khỏi và mùa màng bội thu.

Vào Tết Đoan Ngọ xưa, người ta còn có tục nhuộm móng chân, móng tay, tục khảo cây lấy quả, tục treo ngải cứu để trừ tà… Những em bé chưa biết đi thì lấy một ít vôi bôi vào thóp, vào ngực và rốn để chúng không bị đau bụng hay nhức đầu. Tuy nhiên, phần lớn các tục lệ này đều đã bị lược bỏ.

Một số vùng cũng có tục giết sâu bọ để nhớ lại cội nguồn của ngày này. Một số vùng khác thì có tục tắm lá mùi. Những vị rau mùi là loại gia vị thơm rất đặc trưng. Trong ngày tết nguyên đán hay Tết Đoan Ngọ thì thường người ta sẽ dùng những cây mùi già để nấu lấy nước tắm để giải trừ vận xui và khí độc trên người. Ở vùng ven sông hay biển thì người dân cũng hay rủ nhau ra tắm sông, tắm biển thay cho tục tắm lá mùi xưa.

Theo phong tục ăn tết Đoan Ngọ là ăn vào buổi trưa. Đoan Ngọ lúc mặt trời bắt đầu ngắn nhất, ở gần trời đất nhất trùng với ngày hạ chí. Còn theo khoa học hiện đại, thì đây là ngày mà mặt trời lên cao nhất ở phía Bắc Bán Cầu, trước khi quay trở về phương Nam. 

Dưỡng sinh tết Đoan Ngọ

Tết Đoan Ngọ còn được gọi là Tết Đoan Dương. Theo triết lý y học Đông phương thì hỏa khí (thuộc dương) của trời đất và trong cơ thể của con người trong ngày Đoan ngọ đều lên đến tột bậc.

Vào thời điểm này, phần dương trong cơ thể sẽ có xu hướng thăng lên trên và phát ra ngoài, phần âm ẩn phục bên trong, dương thịnh lên mà âm hao đi, rất dễ mắc phải các bệnh trúng thử, thương thử, (say nắng, cảm nắng), ôn dịch gây hao tổn tân dịch (như bệnh tiêu chảy mất nước do phẩy khuẩn tả, lỵ trực trùng… của Tây y), ban chẩn, mề đay (mụn nhọt, mẩn ngứa, dị ứng)…

Thuận theo khí tiết đặc biệt này, người xưa đã ứng dụng rất linh hoạt y học cổ truyền để thu hái thuốc, điều hòa khí huyết của cơ thể để phòng bệnh, trị bệnh cho mọi người. Ngoài rượu nếp, mận, xoài… được sử dụng để diệt trừ sâu bọ, các món ăn thức uống có tính mát như bánh tro, dưa hấu, mướp, nước cơm… cũng được bổ sung để tư âm, sinh tân dịch (bù nước và khoáng chất), thanh nhiệt giải độc cho cơ thể.

Với những người có thể trạng nóng, nhiều lửa và khí (trội Pitta và Vata theo Ayurveda), thì cơm rượu có tính nóng, do đó không nên sử dụng cho người có thể trạng nóng, các loại quả như mận, vải, xoài,… cũng vậy. Với người có thể trạng này, nên nghỉ ngơi, vận động nhẹ nhàng, ăn đồ có tính mát. Theo Đông y, bánh gio có vị nhạt, tính mát ăn dễ tiêu. Món bánh này phù hợp đối với những người già yếu, trẻ em, người có chứng bệnh nóng sốt âm ỉ (âm hư). Ngoài ra, có thể uống thêm trà bancha, trà lá sen, hoặc oresol nhằm giúp thanh nhiệt cơ thể, đào thải muối thừa qua nước tiểu.

Với những người có thể trạng lạnh, nhiều yếu tố đất & nước (trội Kapha theo Ayurveda), thì việc kích thích cho cơ thể tăng thêm dương khí sẽ hỗ trợ tiêu bớt hàn khí, có thể ăn những đồ có tính nóng và kích khí như cơm rượu nếp, xoài vải… kết hợp vận động tập thể dục thích hợp & uống hồng trà, trà hoa hồng, để đào thải hàn khí và khí độc mà cơ thể đã vô tình nạp vào trong những ngày thời tiết ẩm lạnh.

Sophia Ngo.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *