NƯỚC – NHÌN TỪ GÓC TIẾP CẬN CỦA AYURVEDA

NƯỚC – NHÌN TỪ GÓC TIẾP CẬN CỦA AYURVEDA

Nước là bản chất của sự sống. Không có nó bạn không thể tiếp tục sống. Trên thực tế, khối lượng nước khổng lồ trên Trái đất là thứ khiến hành tinh này trở nên độc đáo. Nhưng bạn thực sự cần bao nhiêu? Và khi nào là đủ? Hydrat hóa (giữ nước) thích hợp là điều cần thiết cho sức khỏe và do đó là một chủ đề gây tranh cãi. Mặc dù y học hiện đại tuyên bố rằng càng nhiều nước càng tốt, nhưng các văn bản Ayurveda cổ đại không khuyến khích uống nhiều nước và khuyến nghị một cách tiếp cận cá nhân hơn đối với việc uống nước.

Trung bình một người mất 3-4 lít (khoảng 10-15 cốc) chất lỏng mỗi ngày. Con số này có vẻ nhiều, nhưng khi bạn xem xét thấy rằng mồ hôi, nước tiểu, hơi thở và nhu động ruột đều góp phần làm mất chất lỏng, thì những con số bắt đầu có ý nghĩa. Chỉ riêng hơi nước trong hơi thở đã làm mất 1-2 lít nước mỗi ngày. Tập thể dục, bệnh tật và các yếu tố khác có thể làm tăng đáng kể tốc độ mất nước.

Khi lượng chất lỏng cơ thể bạn giảm xuống, nó làm cho lượng máu và huyết áp cũng giảm theo. Khi áp suất giảm xuống dưới một ngưỡng nhất định hoặc nồng độ muối trong cơ thể bạn trở nên quá cao, não của bạn sẽ kích hoạt cơn khát. Điều đó có nghĩa là chế độ ăn nhiều muối có thể khiến bạn khát nước hơn. Sưng, viêm và giữ nước cũng có thể khiến bạn uống nhiều nước hơn bình thường. Việc nạp những thực phẩm khô như ngô chiên và thanh granola cũng có thể làm cạn kiệt mức chất lỏng.

Mất nước

Mất nước có thể là nguồn gốc của nhiều bệnh tật trong cơ thể. Nó có thể gây ra tuần hoàn kém, tiêu hóa kém và mệt mỏi. Có hai loại mất nước, ngoại bào và nội bào. Mất nước ngoại bào là kết quả của tổng lượng chất lỏng trong máu giảm xuống dưới một ngưỡng nhất định. Loại mất nước này xảy ra bên ngoài và độc lập với các tế bào và thường là do thiếu chất lỏng. Mất nước nội bào xảy ra khi nồng độ natri trong máu quá cao, kích thích sự di chuyển nước ra khỏi tế bào do áp suất thẩm thấu. Loại mất nước này có thể do lượng natri dư thừa trong chế độ ăn uống và thiếu chất điện giải trong cơ thể.

Bạn có thể bị mất nước nếu nhận thấy một hoặc nhiều dấu hiệu và triệu chứng sau:

  • Miệng khô hoặc dính
  • Khô mắt
  • Ít hoặc không có mồ hôi
  • Táo bón, phân cứng hoặc phân thỏ
  • Lượng nước tiểu ít hoặc nước tiểu có màu vàng đậm đặc.
  • Ợ chua (do dạ dày tiết ít axit)

Còn nước tiểu thì sao?

Nước tiểu màu vàng sẫm là dấu hiệu mất nước. Nước tiểu trong là dấu hiệu của quá nhiều nước hoặc thận bị viêm. Khi nước và chất điện giải được cân bằng, thận hoạt động bình thường thì nước tiểu sẽ có màu vàng nhạt.

Nước & Tiêu hóa

Hydrat hóa đầy đủ là thành phần thiết yếu giúp quá trình tiêu hóa hoạt động. Chất lỏng đóng vai trò vô cùng quan trong trong quá trình tiêu hóa và nước cung cấp môi trường cho mọi hoạt động của enzym. Mất nước khiến dạ dày của bạn không thể tiết ra 2/3 lít axit clohydric mà nó cần để tiêu hóa một bữa ăn. Uống nước ấm 20-30 phút trước khi ăn có thể cải thiện tiêu hóa tới 24%. Hãy tạo thói quen uống một cốc nước ấm vào mỗi buổi sáng để làm ấm máu và nhẹ nhàng đánh thức các cơ quan tiêu hóa.

“Nước trước bữa ăn là mật hoa. Nó bổ sung chất lỏng và khuyến khích các cơ quan tiêu hóa. Uống nước từng ngụm nhỏ trong bữa ăn là mật ong. Nó giúp biến thức ăn thành nước sốt. Nước sau bữa ăn là chất độc vì nó làm loãng axit trong dạ dày.”

– Tiến sĩ Vasant Lad

Tôi nên uống bao nhiêu nước?

Điều này phụ thuộc vào từng cá nhân. Máu giàu đường, chất béo, muối và protein, điển hình của Kapha, cũng có áp suất thẩm thấu thấp hơn, có xu hướng khuyến khích giữ nước. Độ đặc của máu cũng cản trở khả năng lọc chất lỏng từ máu của thận. Do đó, người Kapha nên hạn chế tiêu thụ nước ở mức 4-6 ly mỗi ngày và cũng sử dụng các loại thảo dược lợi tiểu như rau mùi tây và cần tây, trà, bí đao,… như các chất bổ sung chế độ ăn uống thông thường.

Ngược lại, máu loãng, thiếu máu (điển hình của Vata) có tác dụng ngược lại khuyến khích thận bị thất thoát nước. Người tạng Vata cũng có thể bị mất nước mãn tính cho dù họ uống nhiều nước do thận bị viêm. Để làm đặc máu, người Vata nên ăn nhiều vị ngọt, bao gồm chất đường bột, chất béo và protein. Một lát chanh và một chút muối trong nước ấm giúp người Vata giữ được nhiều chất lỏng hơn, cùng với các loại thảo mộc chống lợi tiểu như rễ cam thảo. Người Vata nên uống 8-10 ly nước mỗi ngày và nên tránh các thực phẩm lợi tiểu.

Những người mất cân bằng Pitta bị mất nước và chất điện giải nhanh chóng qua mồ hôi, nước tiểu và phân lỏng. Họ nên tăng lượng nước tiêu thụ (6-8 ly mỗi ngày) và đảm bảo tăng cường chất điện giải.

Tôi có thể bị rơi vào trạng thái uống quá nhiều nước không?

Có thể. Bạn đã bao giờ có cảm giác rằng việc uống quá nhiều nước đã trở thành một chứng nghiện, rằng miệng của bạn luôn khô khốc cho dù bạn có thường xuyên rót nước vào chai hay không, và bạn đi tiểu như điên nhưng vẫn cảm thấy khát? Khi bạn uống quá nhiều nước, bạn sẽ đi tiểu nhiều, điều này cũng làm cạn kiệt chất điện giải của bạn. Chất điện giải giúp bạn giữ nước, giữ ẩm cho vòm miệng và thực sự làm dịu cơn khát của bạn. Khi bạn đã mất chúng trong nước tiểu, bạn sẽ cảm thấy mất nước. Nước tiểu trong là một dấu hiệu rõ ràng về tình trạng thừa nước hiện đại có thể làm bạn kiệt sức. Y học hiện đại, quảng cáo trên TV và các công ty nước đóng chai đều ca ngợi những lợi ích của việc cung cấp đủ nước cho cơ thể. Nhưng điều quan trọng là phải biết khi nào là đủ. Quá nhiều nước cũng khiến bụng bạn đầy hơi, nặng nề và làm quá tải các cơ quan tiêu hóa.

Nên uống nước vào lúc nào?

Một thói quen dễ dàng để ngăn ngừa tình trạng mất nước là uống một cốc nước khi thức dậy, 30’ trước bữa ăn và trước khi đi ngủ. Nếu bạn có xu hướng bị mất nước, bạn cũng có thể muốn uống một ly nước giữa các bữa ăn. Một chế độ ăn uống chủ yếu là cháo, súp cũng giúp cơ thể bổ sung lượng kapha thiếu hụt.

Tôi nên uống gì?

Giống như mọi thứ bạn tiêu thụ, nước cần nỗ lực để tiêu hóa. Nó phải được xử lý cho đến khi giống với máu về độ mặn, ngọt và pH. Vì nước cần nỗ lực để tiêu hóa nhưng không cung cấp chất dinh dưỡng, nên Ayurveda khuyên nên dùng thêm các loại đồ uống bổ dưỡng như nước canh, trà thảo dược, sinh tố và nước ép trái cây.

Cân bằng điện giải

Cho dù bạn uống bao nhiêu nước, bạn sẽ không bị mất nước chừng nào các chất điện giải trong cơ thể vẫn cân bằng. Công thức điện giải tự pha tại nhà bao gồm: 1 lít nước lọc với 8 thìa café đường, 1 thìa café muối, pha uống trong ngày. Khi chọn muối để bổ sung chất điện giải, hãy cố gắng tránh muối ăn tinh chế cao vì nó không chứa gì ngoài natri nguyên chất. Muối biển là một lựa chọn tốt hơn nhiều vì nó chứa các khoáng chất vi lượng cần thiết để cân bằng tốt các chất điện giải.

Nước ấm: biện pháp khắc phục tại nhà hiệu quả

Nước ấm là biện pháp khắc phục tại nhà hiệu quả và là phương pháp giảm thiểu tình trạng rối loạn tiêu hóa số 1. Nó cũng là chất bổ sung ít tốn kém nhất. Nhâm nhi nước ấm giúp kích thích tiêu hóa và tuần hoàn tốt, đồng thời làm sạch ruột. Nó cũng thúc đẩy đổ mồ hôi giúp làm sạch hệ thống bạch huyết và cải thiện làn da. Ngoài ra, nước ấm làm sạch đường tiết niệu, loại bỏ các độc tố không mong muốn khỏi cơ thể. Và nếu bạn dường như không thể thoát khỏi những cơn nấc khó chịu, hãy thử uống một cốc nước ấm!

Có nên uống nước đá?

Khi bạn nạp đồ ăn thức uống lạnh, nhất là nước đá vào cơ thể, cơ thể sẽ phải tự động hóa giải cái lạnh đó để quân bình nhiệt độ giữa các vùng của cơ thể. Việc này khiến cơ thể phải hao phí năng lượng một cách vô ích (chỉ vỉ để hóa giải chất lạnh vào bên trong cơ thể biến nó thành nóng thích nghi với cơ thể đang nóng chứ không làm gì có lợi ích cả). Và nếu sự kiện này xảy ra hàng ngày thì rõ ràng nó làm cho cơ thể càng lúc càng suy yếu và kéo các cơ quan liên hệ nó suy yếu theo.

Tây y thì cho rằng, sự hoạt động khiến cơ thể tiết mồ hôi, đặc biệt là dưới thời tiết nắng nóng, oi bức khiến mồ hôi tiết ra nhiều làm cho chúng ta mệt mỏi và mất nước. Do đó, ai cũng thích uống một cốc nước lạnh, càng lạnh càng tốt “để giảm nhiệt cơ thể, đỡ khát”. Tuy nhiên, đó là một quan điểm sai lầm. Đó chỉ là cảm giác đánh lừa cơ thể bạn mà thội. Bởi các phân tử nước trong nước uống lạnh lúc đó đang tích hợp lại sẽ rất khó thấm vào tế bào, nên dù bạn có uống nước lạnh thì cơ thể vẫn rất khát.

Nếu bạn uống lạnh quá mức cho phép sẽ làm cho các vi mạch máu trong dạ dày, ruột co thắt lại, dẫn đến niêm mạc thiếu máu, từ đó làm giảm mức pitta của các cơ quan tiêu hóa và gây ảnh hưởng đến chức năng tiêu hoá và sát khuẩn của dạ dày, ruột. hệ lụy này gây ra các tình trạng ăn uống khó tiêu, đầy bụng, đau bụng, tiêu chảy cấp. Đặc biệt với phụ nữ trong thời kỳ kinh nguyệt, người bị sâu răng, người bị về bệnh tiêu hóa, phụ nữ mang thai và người già, trẻ nhỏ, người bị bệnh tim mạch, những người đang ra nhiều mồ hôi cấm kỵ uống nước đá, nước lạnh.

Mất nước mãn tính

Một số người bị mất nước mãn tính bất kể họ uống bao nhiêu nước. Những người này có xu hướng đi tiểu trong vòng 30’ sau khi uống một cốc nước. Các nguyên nhân phổ biến nhất gây mất nước mãn tính bao gồm căng thẳng, thời tiết lạnh và viêm thận.

Mất nước, căng thẳng và thời tiết lạnh

Căng thẳng và nhiệt độ lạnh khiến các mạch máu co lại. Sự co thắt của các mạch máu được gọi là co mạch. Giống như việc bóp một quả bóng làm tăng áp suất không khí bên trong quả bóng, sự co mạch làm cho huyết áp tăng lên. Thận là một trong những cơ quan có chức năng điều hòa huyết áp liên tục. Chúng giải phóng nước từ tuần hoàn máu vào nước tiểu để bù đắp cho sự gia tăng huyết áp, làm xì hơi quả bóng. Kết quả là mất nước. Do đó, áp dụng các phương pháp thư giãn giúp giảm căng thẳng trong cuộc sống và mặc quần áo ấm, phù hợp trong những tháng mát mẻ có thể giúp ngăn ngừa tình trạng mất nước.

Nước làm tôi cảm thấy no

Một số người cảm thấy no sau khi uống một lượng nhỏ nước. Điều này có thể là do tiêu hóa yếu và sản xuất axit không đủ trong dạ dày. Ayurveda nói “Phải đốt lửa mới khát.” Do vậy, để tăng cường khả năng tiêu hóa, hãy uống một ly nước ấm với một lát chanh, có thể thêm một chút muối và một lát gừng.

Sophia Ngo.

Bài viết có tham khảo các kiến thức về dưỡng sinh trong cuốn sách: “Ayurveda – Nền tảng Dưỡng sinh Ấn Độ: các nguyên lý điều hoà thân tâm qua ẩm thực, yoga và thiền định”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *